Wednesday, May 12, 2010

Anh Hùng Tử - Khí Hùng Bất Tử...

"Tiểu Nhân Sinh - Nhân Cách Bất Hữu !" (CBT)
 

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu

Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi tên ai gửi theo cơn gió bay
Tình yêu ơi còn đâu những ngất say
Người yêu ơi giờ thương nhớ dâng đầy
Này em có bao giờ em biết rằng
Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau
Thời gian không còn những phút nhiệm mầu

Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu
Cho tôi yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau
Cho tôi xin lại cuộc tình, từ lâu tôi hằng mơ ước
Xin cho tôi gửi lòng này, đến người yếu dấu ngày xưa

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em, còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vẳng tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn

Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi .

&
 
Chuyện di tản 1975
Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết !
Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…
 
Chuyện 1
 
Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !
 
Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp. 
Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con  cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của bà  trong chuỗi  ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử  chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu ?... Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…
 
Chuyện 2
 
Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !
 
Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…
Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…
 
Chuyện 3
 
Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ m
t sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ - chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới  bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy - người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.  
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…
 
Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội. Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió ! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….
Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm !
 
Chuyện 4
 
Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !
Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi -- ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
Tiểu Tử

Sunday, May 9, 2010

MỘT NGÀY TRÊN ĐƯỜNG TỊ NẠN


Kính các bạn tôi,

Chỉ cón môt vài bài thơ 35 tuổi, vừa được moi ra từ đáy valise; tôi xin phép chép lại trên DĐ để kỷ niệm những ý tưởng thô thiển thời còn "sữa".

Ngày 8 tháng 5 năm 1975, tôi và mấy người bạn độc thân, "con bà phước" được gọi dọn qua ASAN ANNEX. Hành trang chả có gì ngoài cây bút còn giữ lại khi phải cởi bỏ áo bay bỏ lại Subic Bay, và mấy miếng giấy khăn bàn để dành ghi vội mấy câu tho con cóc giết thì giờ.  Thiên hạ có gia đình đông đủ rủ nhau đi dạo bãi biển Guam; tôi thì ở đó cả tuần lễ vẫn không biết có "thắng cảnh" nào trên hòn đảo đó, cả ngày nằm vùi không thiết tha gì đến các trò tiêu khiển...



Vẫn lời xin các bạn mình thứ lỗi
Không thích thì xin xóa bỏ dùm cho...
MỘT NGÀY TRÊN ĐƯỜNG TỊ NẠN
L V Chieu

Buổi sáng xứ người
Trông áng mây trôi
Thấy môi mặn đắng
Thấy mình mất vui

Một ngày xa xứ
Thấy như thật dài
Mấy đêm mất ngủ
Bây giờ mắt cay

Buổi trưa nắng đổ
Bóng ngã chân xiêu
Trông gương mắt đỏ
Dung nhan thay nhiều

Tóc râu biếng chải
Thần thái hư hao
Bơ phờ uể oải
Còn đâu thuở nào

Chiều trên đất lạ
Núi đá ngậm ngùi
Bước đi nhàn hạ
Nhưng lòng không vui

Ra ngồi trn bêến
Nghe tiếng sóng gào
Gió cao rung chuyển
Thấy lòng xuyến xao

Nhớ nước nhớ nhà
Hàng họ mẹ cha
Người tình bé nhỏ
Nghìn trùng cách xa

Em ơi, em ơi,
ĐI không một lời
Giờ em ở lạI
Tôi rời cuộc chơi

Đành ôm chuyện cũ
Hạnh phúc nửa vờI
Tấm thân lử thú
Làm sao định nơi?!

Chiều qua bước chậm
Săp hàng nhận cơm
Buồn ta gặm nhắm
Chiếc bánh tủi hờn

Nơi này xứ lạ
Cơm nuốt không trôi
Nói năng vất vả
Tay múa thay lời

Buổi tối lạc loài
Nghĩ chuyện tương lai
Trò vui tiêu khiển
Không làm nguôi ngoai

Đau lòng xót dạ
Dĩ vảng đêm đen
Hiện tại mệt lả
Tương lai không đèn

Đêm trôi buồn bã
Thân mềm buông xuôi
Quê hương xa quá
Sinh ly thật rồi!

Lê V Chiếu
Asan Annex, Guam 8 May 1975

Saturday, May 8, 2010

NGÀY ĐẦU Ở OROTE POINT

Đầu tháng Năm.
Cuộc hải hành bất đắc dĩ đã đưa bao ngàn người trong đó có tôi đến Subic Bay ở Phi Luật Tân.
Phi bào duy nhất trên người phải đành vứt bỏ để được phát cho một bộ đồng phục thủy thủ rộng thùng thình.  Không mặc được bộ đồ mới lãnh, đành cho đi; trên người chỉ có chiếc quần đùi và áo thun trắng, sẵn sàng lên đường sang đất Mỹ...

Trạm đến đầu tiên của tôi là
Orote Point trên đảo Guam, ngày 5 tháng 5 năm 1975.  Xin gửi các bạn tôi chút tâm sự ngày hôm đó, 35 năm trước đây:
NGÀY ĐẦU Ở OROTE POINT

Ba ngày dong biển cả
Sáu giờ liền không trung
Ta đến miền đất lạ
Đôi chân bước chập chùng

Một phần tư thế kỷ
Nửa kiếp đời mong manh
Như một thời mộng mị
Thôi, giã từ chiến tranh

Thôi một thời oanh liệt
Thôi một thuở tung hoành
Một lời làm tru diệt
Bao cơ đồ sụp nhanh

Khoanh tay buồn chiến sữ
Bất lực trước quân thù
Ta đành thân lữ thứ
Ôm hận chắc ngàn thu

Quốc kỳ thay màu trắng
Ủ rủ giữa kỳ đài
Phố xá buồn câm lặng
Mất nước rồi trách ai!

Tủi thân chiều tị nạn

Ngàn thông gió lao xao
Chu trình dài đứt đoạn
Rủ tay lìa binh đao

Lê Văn Chiếu
Orote Point, Guam 5-5-1975


--
Chieu V Le -- O Bien 227
Lancaster PA

www.chieule.com

Friday, May 7, 2010

CHIỀU LÊN OROTE POINT

Kính Các Diễn Đàn và các bạn tôi,
Đúng vào ngày này (7 tháng 5, 1975) tôi đang ở Orote Point (Guam), vừa được đưa đến từ Subic Bay hai ngày trước đó. Hôm qua lục chồng thơ ngày cũ, thấy mấy bài thơ mộc mạc ghi vài cảm nghĩ lúc còn đang trong tâm trạng hoang mang; tôi muốn chia sẻ tâm tình với các bạn tôi qua các Diễn Đàn quen thuộc vì không thể gửi riêng từng người.

Xin thứ lỗi nếu thư tôi làm phiền đến bạn, làm ơn xóa dùm tôi nhé. Rất cám ơn.
Ó Biên 227

CHIỀU LÊN OROTE POINT
Tên lính hèn mất nước
Chiều dõi bóng chim xa
Chợt dâng niềm ao ước
Về nhìn lại quê cha


Tên lính chiều mất nước
Chạnh lòng nhớ cố hương
Tủi thân đời xuôi ngược
Đi cầu thực tha phương


Như già đi trước tuổi
Não nề cuộc bể dâu
Chào quê hương lần cuối
Xa chân lòng quặn đau


Nhánh liểu buông mềm mại
Nhớ dáng người yêu xưa
Bước phiêu lưu tình ái
Mới hôm nào đón đưa


Thân cây già run rẩy
Gợi nổi nhớ mẹ hiền
Chắc giờ đang khấn lạy
Ngóng chờ con ngoài hiên


Mơ màng trông sương khói
Tưởng lại bóng chiều quê
Nhìn mây xa vời vợi
Lòng nguyện sẽ trở về


Cánh sao khuya mờ tỏ
Tên lính cúi gục đầu
Cùng một khung trời đó
Mà ngàn dặm xa nhau


Lê Văn Chiếu
Orote Point (Guam) 7 May 1975

Monday, May 3, 2010

Midway 2010

Ngày hạnh phúc đầu tiên trên USS Midway sau 35 năm
(05/01/2010)

SAN DIEGO, California (VH): “Cách đây 35 năm, hôm nay là một ngày buồn. Nhưng 35 năm sau, hôm nay là ngày hạnh phúc.” Ðó là lời của ông Vern Jumper nói với nhật báo Việt Herald trên hàng không mẫu hạm USS Midway hôm Thứ Sáu 30 tháng 4 vừa qua.

“Ðó là một ngày buồn vì chúng ta thua cuộc chiến, nhiều người mất nhà, thân nhân và bè bạn. Nhưng hôm nay là một ngày hạnh phúc vì cộng đồng Việt Nam đã mang đến Hoa Kỳ một nền văn hóa tuyệt vời,” ông Vern Jumper nói tiếp.

Cách đây 35 năm, ông Vern Jumper là chỉ huy đài không lưu trên USS Midway và chỉ huy cho các máy bay lên xuống trong chiến dịch “Operation Frequent Wind” cứu hơn 3,000 Việt Nam trong lúc cuộc chiến Ðông Dương chấm dứt.
Thứ Sáu vừa qua là buổi hội ngộ giữa USS Midway, các thủy thủ, các chỉ huy và những người được con tàu khổng lồ này cứu cách đây 35 năm trong chương trình có tên “Honoring Freedom in America,” tổ chức ngay trên phi đạo của tàu với hàng ngàn người tham dự.

Nhiều người được USS Midway cứu cách đây 35 năm cũng có mặt như XNV Hương Thơ của Little Saigon TV hoặc ông Hugh Nguyễn, hiện là ứng cử viên chức “Clerk-Recorder” của Orange County trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới đây.

Bác sĩ Lê Thế Dzũng, hiện là Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego và là giáo sư đại học UC San Diego, chia sẻ: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm với USS Midway. Tôi nhớ lúc đó một người em tôi bị ốm, nhưng các binh sĩ Mỹ vẫn tận tình chăm sóc và họ làm việc rất kỷ luật, nhẹ nhàng.”

Vợ của bác sĩ Dzũng cũng là người được USS Midway cứu hồi năm 1975.

Ông Richard Ðẹp Bùi, thiếu úy không quân VNCH và là ứng cử viên Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Việt Nam Nam California năm nay, chia sẻ: “Lúc đó, tôi lái trực thăng UH-1H đáp xuống tàu sau khi mở tần số ‘guard’ liên lạc với họ. Bây giờ nghĩ lại, tôi rất cảm động. Người Mỹ thật bao dung, tôi không thể diễn tả được sự biết ơn của mình.”

Anh Vinh Nguyễn, cư dân Sacramento, đến tham dự buổi lễ với anh trai Tuấn Nguyễn, chị gái Huệ Nguyễn và các cháu, kể: “Hôm 27 tháng 4, 1975, gia đình tôi đã vào phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng bị kẹt lại tại phi đạo vì Việt Cộng pháo kích vào phi trường. Hai ngày sau, gia đình tôi mới được một chiếc Chinook chở ra USS Midway. Mỗi chiếc như vậy nhét tới 60 người, nằm ngồi trên sàn như cá hộp.”

Thiếu tá Lý Bửng, người đã đáp chiếc máy bay Cessna “Bird Dog” chỉ có hai chỗ ngồi nhưng chở vợ và 5 con đáp xuống USS Midway ngày 30 tháng 4, 1975, chia sẻ: “Khi tôi bay từ Côn Ðảo ra, tôi thấy nhiều trực thăng trên trời, tôi biết ngay có điều gì tốt lành tại đó. Khi bay đến nơi, tôi thấy họ đáp xuống, tôi nghĩ ‘họ xuống được thì mình cũng xuống được chứ sao."

Những thủy thủ trên USS Midway hồi đó cũng có những kỷ niệm khó quên về chiến dịch “Operation Frequent Wind.”

Ông Todd Jensen, giờ cư ngụ tại Mira Loma, vừa đưa một huy hiệu không quân VNCH vừa kể với phóng viên nhật báo Việt Herald: “Hôm đó, loa phát thanh kêu gọi ra đẩy bớt trực thăng xuống biển. Tôi chạy xuống, bỗng thấy một áo lạnh của một phi công VNCH. Thế là tôi giữ lấy. Sau đó, tôi cắt miếng huy hiệu này và giữ làm vật kỷ niệm trong 35 năm qua.”

Ông Rafael Vila, đứng chung với hai cựu thủy thủ khác của USS Midway, ông George Perfetto và ông Chuck Oliver, kể: “Tôi nhớ lúc thiếu tá Lý Bửng bay vòng vòng trên USS Midway và ném một vật gì đó xuống, chúng tôi tưởng ông ném lựu đạn. Thế là mọi người chạy trốn. Rồi ông trở lại ném nữa, chúng tôi trốn nữa. Lúc đó, TQLC định bắn chiếc ‘Bird Dog’ của ông rồi. Sau này chúng tôi mới biết ông ném khẩu súng có cột lá thư xin đáp xuống USS Midway.”

Ngay từ sáng sớm, 14 xe bus tại công viên Garden Grove Park và 4 xe bus khác tại Rosemead đã chở gần 1,000 người trực chỉ xuống San Diego để tham dự buổi lễ.

Nhiều người không có vé vẫn đến và chờ nếu được chỗ trống thì lên xe bus, vì vé đã bán hết từ mấy hôm trước. Cuối cùng, mọi người đều được nhà báo Ngụy Vũ, một người ban tổ chức, sắp xếp cho lên xe vui vẻ.

Không khí tại hàng không mẫu hạm USS Midway không khác một ngày hội. Hàng ngàn người nối đuôi nhau bước vào con tàu phục vụ nước Mỹ lâu nhất trong thế kỷ 20. Từ trên cao xuống dưới, tại các cầu thang, tại hầu như khắp nơi, là những lá cờ Mỹ và VNCH được treo xen kẽ nhau và bay phất phới trong luồng gió biển của vịnh San Diego.

Ngay bên dưới cầu tàu, hai xe truyền hình của đài truyền hình Little Saigon TV với dây nhợ khắp nơi đang làm việc cật lực để truyền trực tiếp những hình ảnh của buổi lễ đến với khán giả.

Thực ra, Little Saigon TV, một trong những đơn vị bảo trợ chính và là người tổ chức chính sự kiện này, đã trực tiếp truyền hình “Honoring Freedom in America” ngay tại công viên Garden Grove Park, từ lúc những chiếc xe bus chưa lăn bánh.

Trên phi đạo, hàng ngàn người đã tề tựu đông đủ. Mỗi người được Hiệp Hội Người Việt San Diego tặng một tờ chương trình, một cờ Mỹ và một cờ VNCH.

Ðúng 12 giờ trưa, lần lượt các quan khách lên phát biểu, đặc biệt có đô đốc hồi hưu Larry Chambers (là hạm trưởng USS Midway năm 1975), ông Vern Jumper và thiếu tá không quân VNCH Lý Bửng.

Trong lúc quốc ca VNCH và Hoa Kỳ vang lên, hai lá cờ của hai cựu đồng minh được kéo lên cột cờ của USS Midway, mọi người đều ngước mắt nhìn lên một cách xúc động.

Trong phút mặc niệm, một binh sĩ hải quân Hoa Kỳ đứng từ trên cao nghiêm trang thổi một khúc nhạc bằng kèn trompet trong lúc ông Nguyễn Phúc Thiệu (trung úy không quân VNCH) và ông John Hedges (thủy thủ USS Midway năm 1975) quăng một vòng hoa tươi xuống biển để tưởng niệm các thủy thủ USS Midway và các binh sĩ VNCH đã qua đời.

Trên bầu trời, một chiếc máy bay kéo banner với dòng chữ “Honoring Freedom in America” bay qua trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Nhân dịp này, ông Scott McGaugh, giám đốc tiếp thị của viện bảo tàng USS Midway, đã yêu cầu các thủy thủ USS Midway hồi năm 1975 và những người Việt Nam được tàu này vớt đứng lên để mọi người vinh danh.

Kế đến là phần trình diễn của hai ban kèn đồng của hai trường trung học La Quinta và Bolsa Grande của Học Khu Garden Grove với bài “God Bless America.”

Cuối cùng là phần văn nghệ với ban hợp xướng Ngàn Khơi và nhóm The Friends trình bày.

Sau chương trình, nhiều người đi xuống tầng dưới để xem triển lãm các vật dụng do những người tị nạn Việt Nam gởi đến cho viện bảo tàng USS Midway và các loại máy bay. Trong số này, đặc biệt có mô hình chiếc “Bird Dog” mà thiếu tá Lý Bửng lái, được treo trên nóc tầng dưới của tàu.

Ðược biết, “Honoring Freedom in America” do viện bảo tàng USS Midway, hai đài truyền hình Little Saigon TV và Hồn Việt TV và Hiệp Hội Người Việt San Diego phối hợp tổ chức cùng với sự giúp đỡ của một số tổ chức, hội đoàn và cơ quan truyền thông Việt ngữ khác tại miền Nam California. (Ð.D.)


http://www.viethera ld.com/D_ 1-2_2-186_ 4-1884/Ngay- hanh-phuc- dau-tien- tren-USS- Midway-sau- 35-nam.html